Đó là khẳng định của ông Chu Văn Phương - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc của Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) khi chia sẻ với phóng viên Đầu tư chứng khoán về những thuận lợi và khó khăn của Nhựa Tiền Phong trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của thị trường hiện nay.
Theo ông Phương, một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp muốn tồn tại và phát triển được cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch đổi mới công nghệ. Tiến bộ khoa học công nghệ luôn cho phép doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên vật liệu... Nhờ vậy, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Với phương châm đó, các sản phẩm của Nhựa Tiền Phong luôn lấy yếu tố chất lượng làm cốt lõi nên trong chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn của Công ty tại Báo cáo thường niên 2018 đều đã đưa việc áp dụng công nghệ để cải tiến và tạo ra sản phẩm mới là một trong những giải pháp rất quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Công ty đã mạnh dạn đi đầu, đón bắt trước xu hướng nhu cầu trong nước đối với các dự án cấp thoát nước trọng điểm yêu cầu khắt khe về chất lượng khi đầu tư dây chuyền sản xuất các đường ống cỡ lớn như: ống nhựa HDPE/PP 2 lớp gân sóng có DN 1200m của Tập đoàn Unicor GmBH Hassfurt (Đức) với ưu điểm tiết kiệm chi phí lắp đặt, độ bền cao và thuận tiện trong thi công; ống nhựa HDPE chịu áp lực cỡ lớn đường kính lên đến 2000 mm của Tập đoàn Battenfield Cincinnati (Đức). Đây là 1 trong 8 dây chuyền sản xuất trên thế giới và duy nhất tại Đông Nam Á đã được Nhựa Tiền Phong sở hữu.
Từ năm 2017-2018, Nhựa Tiền Phong tiếp tục dành hàng trăm tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị cho các dây chuyền sản xuất các loại sản phẩm ống và phụ tùng u.PVC, HDPE, PP-R; Bên cạnh đó, các chuyên gia kỹ thuật của Nhựa Tiền Phong cũng đã nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong quá trình sản xuất và đã có nhiều đề tài được Thành phố trao giải thưởng như: Chế tạo thiết bị nong phụ tùng uPVC DN250 - DN400 có buồng tạo áp suất, Triển khai phụ kiện kết nối ống HDPE bằng phương pháp hàn điện trở…
Đặc biệt trong thời gian hợp tác với Tập đoàn Sekisui - Nhật Bản, nhiều dòng sản phẩm với các tính năng ưu việt đã được đưa ra thị trường. Mới đây, dòng sản phẩm phụ tùng HDPE hàn điện trở với nhiều loại kích cỡ đã được Nhựa Tiền Phong sản xuất thành công trên dây chuyền và công nghệ hiện đại của Tập đoàn này. So với các sản phẩm thông thường, dòng sản phẩm mới có các ưu điểm vượt trội là thiết kế nhỏ gọn, độ chuẩn xác cao, hạn chế sản phẩm lỗi...
Không chỉ chú trọng áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, Nhựa Tiền Phong còn đầu tư hệ thống xử lý nước thải và áp dụng quản lý hệ thống môi trường tiên tiến nhất - ISO 14000 mà thế giới đang áp dụng để giảm thiểu tiếng ồn và đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Công ty còn đầu tư hàng chục tỉ đồng để lắp đặt thiết bị và vận hành hàng năm nhằm nâng cấp máy móc khi thay đổi chất ổn định chì sang ổn định không chì cũng như đổi chất gia công gia nhiệt bằng glicerin thay cho dầu nhằm đảm bảo nguồn nước thải và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, để đối phó với nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu Nhựa Tiền Phong, Công ty đã đầu tư hệ thống in phun công nghệ cao đưa thương hiệu lên sản phẩm với màu mực sắc nét, form chữ tiêu chuẩn và không phai mực trong điều kiện bình thường. Được biết, hiện Nhựa Tiền Phong có dự định đầu tư hệ thống in và quét mã sản phẩm đối với mọi sản phẩm của Công ty nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trước mắt, với mục tiêu được đặt ra cho kế hoạch kinh doanh năm 2019 là tổng doanh thu là 5.000 tỷ đồng, Nhựa Tiền Phong đã thực hiện đồng loạt các biện pháp để tiếp tục đổi mới và phát triển bền vững. Trong đó, Công ty chú trọng việc duy trì áp dụng công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm mới, tăng năng suất lao động; cùng với các cơ quan chức năng phòng tránh tối đa các sản phẩm hàng giả, hàng nhái; kiểm soát chặt chẽ các chi phí trong sản xuất kinh doanh…Với những nỗ lực đó, kết quả tổng doanh thu quý I/2019 của Nhựa Tiền Phong đã đạt 1.010 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng, vượt mức quý I/2018 là 34 tỷ đồng./.