Nhựa Tiền Phong: Phát huy truyền thống, năng động, đổi mới

2474 lượt xem
Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động, nhưng lại là một năm khá thành công của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong). Công ty vinh dự là 1 trong 3 doanh nghiệp Việt Nam nhận Giải thưởng Quest for Excellence Award. Cùng với đó, Công ty lọt vào Top 10 thương hiệu bền vững, Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam… Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bá Phúc – Chủ tịch HĐQT Công ty, về những nỗ lực khẳng địn
Nhựa Tiền Phong: Phát huy truyền thống, năng động, đổi mới

Thưa ông, nhìn lại kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 và chặng đường hơn 50 năm phát triển của Nhựa Tiền Phong, ông ấn tượng nhất điều gì?

 

Năm 2012 nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, chịu lỗ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chờ đợi qua thời kỳ sóng gió. Nhựa Tiền Phong cũng không nằm ngoài những diễn biến chung. Song tổng kết năm 2012, Nhựa Tiền Phong vẫn đạt được những con số khá ấn tượng, với doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng, sản lượng 47.000 tấn, sản xuất nhiều chủng loại hàng hóa với chất lượng sánh ngang hàng nhập ngoại, phục vụ nhiều công trình lớn của đất nước. Đạt được kết quả này, là sự kết tinh của chặng đường hơn 50 năm phát triển cùng tư duy đổi mới, năng động trước tình hình thực tế.

 

Sự trưởng thành của Nhựa Tiền Phong hôm nay, ít ai biết rằng những ngày đầu thành lập, Công ty chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ. Đến năm 1989 - 1990 do yêu cầu đổi mới, Công ty chuyển từ sản xuất giày dép, đồ gia dụng nhựa… sang sản xuất ống nhựa đánh dấu sự phát triển mới của Nhựa Tiền Phong. Đặc biệt, năm 2005 từ việc tiến hành cổ phần hóa với cơ chế quản lý mới, tạo ra sự năng động trong sản xuất và điều hành, Nhựa Tiền Phong đã có sự đột phá mạnh mẽ, tăng trưởng nhanh trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất các loại ống nhựa trong cả nước. Năm 2006, Nhựa Tiền Phong chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán.

 

Năm 2009, Công ty mở rộng chi nhánh tại khu vực phía nam; Năm 2010, đầu tư sang nước bạn Lào với Nhà máy Nhựa Tiền Phong – SMP sản xuất ống nhựa lớn nhất tại CHDCND Lào. Với 3 nhà máy sản xuất tại Hải Phòng, Bình Dương và Vientiane (Lào), năng lực sản xuất của Nhựa Tiền Phong hàng năm lên tới 80.000 tấn sản phẩm các loại. Riêng tại phía Bắc, Công ty đang xây dựng nhà xưởng và chuyển đổi dần địa điểm sản xuất từ số 2 An Đà, TP. Hải Phòng sang phường Hưng Đạo, Dương Kinh, Hải Phòng trên một diện tích sản xuất mới rộng 13,6 ha, gấp hơn 4 lần diện tích cơ sở sản xuất cũ.

 

Mạng lưới tiêu thụ ngày càng được mở rộng, với 6 trung tâm bán hàng trả chậm và gần 300 đại lý bán hàng trải rộng khắp các địa phương trong cả nước. Sản phẩm Nhựa Tiền Phong còn vươn ra thị trường quốc tế, hiện Công ty đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại các nước: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanma. Doanh số xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh.

 

Trước sự biến động về giá nguyên liệu đầu vào, lạm phát và lãi suất tăng cao… Nhựa Tiền Phong đã có những giải pháp như thế nào để ổn định sản xuất kinh doanh?

 

Sự biến động liên tục về thị trường dầu mỏ trên thế giới đã ảnh hưởng rất lớn tới giá nguyên liệu đầu vào của ngành nhựa. Trước sự tăng giá nguyên liệu đầu vào và sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu trong nước và quốc tế, bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sản phẩm Nhựa Tiền Phong vẫn có sức tiêu thụ lớn trên thị trường, đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật từ các công trình dân dụng cho đến các công trình, dự án lớn yêu cầu khắt khe về chất lượng, kích thước…

 

Công ty đã thực hiện tái cấu trúc sản xuất, đổi mới, sắp xếp hợp lý bộ máy quản lý; Mỗi năm, Công ty đã đầu tư trên 100 tỷ đồng, đầu tư có chiều sâu, mua sắm các trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh… Vừa qua, đơn vị đã lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất ống uPVC cỡ lớn (Þ800mm) trị giá hơn 1 triệu USD và dây chuyền sản xuất ống HDPE đến Þ1200mm (đây là những dây chuyền sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam hiện nay) bằng nguồn vốn tự có.

 

Bên cạnh việc đầu tư chiều sâu, Công ty còn thực hiện hàng loạt các giải pháp như: tiết giảm chi phí trong sản xuất, sử dụng hiệu quả vòng quay vốn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đặc biệt Công ty luôn có những chính sách linh hoạt trong kinh doanh như: chiết khấu bán hàng, chính sách sau bán hàng và thực hiên việc bình ổn giá đã tạo được niềm tin rất lớn trước đối tác và khách hàng.

 

Ngành nhựa là một trong 10 ngành được ưu tiên phát triển tại Việt Nam, nhưng tới nay sự phát triển vẫn chưa ổn định. Là người tâm huyết với nghề, theo ông cần phải có những yếu tố nào để ngành nhựa Việt Nam phát triển bền vững?

 

Hiện, ngành nhựa Việt Nam đang bị lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc tăng hoặc giảm giá nguyên vật liệu đầu vào sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa. Theo tôi, để ngành nhựa Việt Nam phát triển bền vững, chúng ta phải từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước; Chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo phục vụ cho việc sản xuất hàng nhựa cao cấp và các sản phẩm nhựa xuất khẩu, giúp doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào nước ngoài; Cần phải sớm tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp thu gom, phân loại phế thải nhựa, xử lý để tái sử dụng, hình thành hệ thống doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhựa tái sinh và sử dụng nhựa tái sinh, góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá đầu vào; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

 

Ngành nhựa còn non trẻ, nên ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng cần có sự quan tâm hơn nữa từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, trong việc thay đổi các chính sách thuế, bảo hộ, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, chính sách hữu hiệu chống hàng giả hàng nhái… Có như vậy, ngành nhựa Việt Nam mới phát triển năng động, bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.

 

Nhựa Tiền Phong có dự định như thế nào trong năm 2013, thưa ông?

 

Mặc dù Nhà nước đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách mới về tín dụng như: hỗ trợ để phá băng thị trường bất động sản (giảm lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay...). Song những chính sách này vẫn có độ trễ nhất định. Bởi vậy, năm 2013 tiếp tục là năm khó khăn cho các doanh nghiệp.

 

Đối với Nhựa Tiền Phong, năm 2013, chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì doanh thu, sản lượng và lợi nhuận như năm 2012. Ngoài việc tiết giảm chi phí trong sản xuất, đầu tư có chiều sâu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tập trung sản xuất các sản phẩm thị trường có nhu cầu cao, các sản phẩm ống nhựa cỡ lớn, chú trọng nghiên cứu các sản phẩm mới, sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai... Nhựa Tiền Phong cố gắng hoàn thiện đưa nhà máy mới ở Nghệ An đi vào hoạt động, nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển, tận dụng, khai thác thị trường khu vực miền Trung, Tây nguyên và tranh thủ những chính sách ưu đãi của lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

 

Trong không khí của một mùa xuân mới đang về, tôi xin được thay mặt toàn thể Ban lãnh đạo và CBCNV Nhựa Tiền Phong: Chúc con tàu kinh tế Việt Nam đi đúng hướng; Nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến khởi sắc trong năm mới. Chúc độc giả Tạp chí Vietnam Business Forum một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!

 

Xin cảm ơn ông! Chúc Công ty Nhựa Tiền Phong luôn duy trì sức trẻ, tiên phong đột phá, hội nhập và phát triển bền vững!

 

Theo http://vccinews.vn

admin

Bình luận (0)

Viết bình luận của bạn

Vui lòng điền Captcha trên trước khi gửi bình luận

Tin tức liên quan